Sự phát triển Fubuki_(lớp_tàu_khu_trục)

Nhóm đầu tiên, hoặc lớp phụ Fubuki, bao gồm mười chiếc đầu tiên được hoàn tất trong những năm 19281929, có cấu trúc đơn giản hơn những chiếc tiếp theo. Chúng có một máy đo tầm xa bố trí trên cầu tàu hoa tiêu, một phòng điều khiển hỏa lực bộc lộ, và được trang bị tháp pháo “Kiểu A” chỉ có thể nâng hai nòng pháo cùng một lúc và góc nâng tối đa chỉ đạt 40°. Nhóm những chiếc đầu tiên có thể phân biệt với những chiếc sau đó với đặc điểm không có các ống thông gió bên trên ống khói.[4]

Nhóm thứ hai, hoặc lớp phụ Ayanami, được chế tạo trong những năm 19301931, có các cầu tàu lớn hơn để chứa một máy đo tầm xa và thiết bị đo góc phương vị, phòng điều khiển hỏa lực và một tháp đo khoảng cách. Thêm vào đó, ống hút gió cho các phòng nồi hơi được thay đổi từ dạng ống sang dạng bát. Chúng cũng được hưởng lợi từ việc sử dụng tháp pháo “Kiểu B” có khả năng nâng các nòng pháo độc lập với nhau và với góc nâng tối đa lên đến 75° để sử dụng vào mục đích phòng không, làm cho chúng trở thành những tàu khu trục đầu tiên trên thế giới có được khả năng này.[4]

Nhóm thứ ba, mà một số tác giả xem chúng là lớp Akatsuki riêng biệt, được chế tạo từ năm 1931 đến năm 1933. Những chiếc này có nồi hơi lớn hơn và một ống khói phía trước hẹp hơn. Những sự cải biến bao gồm kiểu tháp ống phóng ngư lôi độc đáo chống lại được mảnh đạn, cho phép nạp lại ngư lôi trong chiến đấu, điều mà một số tàu khu trục phương Tây chưa có được thậm chí cho đến những năm 1990.[4]

Tuy nhiên, lớp Fubuki cũng mắc phải một số vấn đề khiếm khuyết trong thiết kế. Một số lượng lớn vũ khí kết hợp với một lườn tàu có trọng lượng rẽ nước nhỏ hơn so với thiết kế nguyên thủy đã đưa đến vấn đề về độ ổn định. Sau sự kiện Tomozuru, trong đó những thiết kế nặng bên trên của nhiều tàu chiến Nhật Bản được cho là nguyên nhân của việc mất ổn định và đưa đến vụ lật úp tàu, các thùng giữ thăng bằng được bổ sung. Trong sự kiện hạm đội 4, khi mà một cơn bão đã gây hư hại hầu như toàn bộ mọi tàu chiến của Hạm đội 4 Hải quân Đế quốc Nhật Bản, những vấn đề về sự chịu đựng theo chiều dọc lườn tàu của lớp Fubuki bị phát hiện. Kết quả là, mọi con tàu trong lớp đều được tái cấu trúc trong những năm 1935-1937, và điều này đã làm tăng trọng lượng choán nước tiêu chuẩn thêm 2.050 tấn và hơn 2.400 tấn khi đầy tải. Việc tái cấu trúc cũng làm giảm tốc độ tối đa đôi chút.

Trong Thế Chiến II, khi những chiếc còn sống sót được gọi quay trở về chính quốc Nhật Bản để sửa chữa và tái trang bị, dàn hỏa lực phòng không được nâng cấp dần. Vào năm 1945, tháp pháo "X" được tháo dỡ trên những chiếc còn sống sót, tạo chỗ trống và làm nhẹ bớt thượng tầng để bổ sung thêm 14 khẩu pháo 25 mm Kiểu 96 phòng không, thêm hai súng máy 13 mm phòng không và 18 mìn sâu, cũng như được trang bị radar.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Fubuki_(lớp_tàu_khu_trục) http://www.combinedfleet.com/fubuki_c.htm http://homepage2.nifty.com/nishidah/e/stc0423.htm http://www.globalsecurity.org/military/world/japan... http://www.globalsecurity.org/military/world/japan... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v...